Nói Rõ Đường Lối Tu Hành

27/05/2025 | Lượt xem: 31

HT.Thích Thanh Từ

Chúng ta tu theo Thiền tông Việt Nam và có ảnh hưởng tinh thần Thiền tông Trung Hoa. Tông chỉ của nhà thiền là “Dĩ vô niệm vi tông, vô môn vi pháp môn”, lấy vô niệm làm chỗ tột cùng. Chư Tổ ở Trung Hoa cũng như Việt Nam đều tu tới chỗ vô niệm. Phật dạy tâm chúng sanh có hai: Tâm sanh diệt và tâm không sanh diệt.

Tâm sanh diệt là suy nghĩ liên miên không dừng, nó tạo nghiệp dẫn đi trong luân hồi sanh tử. Tâm không sanh diệt còn gọi là vô sanh hay chân tâm, lúc nào cũng có mặt nhưng chúng ta thường bỏ quên. Vì nó luôn luôn hiện hữu nên đụng đâu mình biết đó, muỗi cắn chỗ nào cũng biết. Vậy mà chúng ta không nhớ, chỉ nhớ cái lăng xăng sanh diệt hư dối chợt có chợt không. Tu thiền là dừng tâm lăng xăng đó. 

Khi chúng ta không nghĩ chuyện gì hết, lúc này mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe, mọi thứ diễn ra xung quanh đều biết, cái biết đó không hình tướng. Nhưng chúng ta lại quen sống với tâm sanh diệt, là gốc của luân hồi sanh tử không nhận ra cái thật. Đây là điều tối kỵ của người tu thiền. Chúng ta phải biết rõ tâm vô sanh đang trùm khắp không bao giờ vắng thiếu. Nếu nhận những suy nghĩ lăng xăng trong đầu cho là mình thì thật sai lầm và nguy hiểm. Do đó Phật nói muốn giải thoát sanh tử phải dừng tâm suy nghĩ phải quấy, hơn thua, được mất.

Phật dạy ngồi thiền để định tâm, tức là dừng tâm sanh diệt chứ không có gì lạ. Tâm sanh diệt dừng thì hết tạo nghiệp, không còn đi trong sanh tử. Đó là nhân giải thoát. Chúng ta tu phải can đảm, nỗ lực quyết dừng tâm sanh diệt, đừng quá thương nó rồi không dám bỏ. Ngồi thiền là phương thức dễ điều phục tâm lăng xăng nhất. Ngoài ra trong lúc đi đứng nằm ngồi, nếu suy nghĩ miên man phải biết dừng. Vọng tưởng có sức lôi kéo rất mạnh ngay cả khi ngồi thiền, hết nghĩ chuyện này tới chuyện khác, chuyện mình chuyện người đủ thứ. Đó là nhân tạo nghiệp đi trong luân hồi không có ngày cùng. Phật dạy tu thiền định là định tâm lăng xăng đó, cho nên Thiền tông lấy vô niệm làm tông chỉ.

Vô môn vi pháp môn, tức là lấy cửa Không làm cửa pháp. Thấy rõ tất cả sự vật bản tánh không thật thì tâm sanh diệt dừng. Kinh Bát Nhã dạy chiếu kiến ngũ uẩn giai không, đêm nào chúng ta cũng tụng nhưng chưa thấm Bát-nhã, thành thử thấy ngũ uẩn giai hữu. Thân này không thật, vì duyên hợp tạm có nên nó là không. Ngũ uẩn không thì sự vật bên ngoài cũng không, nên nói vô môn vi pháp môn, cửa Không là cửa pháp. Hằng ngày chúng ta tụng tới tụng lui Bát-nhã để nhớ ứng dụng mà tăng trưởng trí tuệ.

Mở đầu kinh Bát Nhã nói quán năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức nguyên là không thì qua tất cả khổ ách. Chúng sanh thấy năm uẩn là thật thành ra khổ ách tràn trề. Vì chưa thấm hiểu lời Phật dạy nên nhiều khi thấy mình đáng thương, sao mà khó quá. Con người khi được sanh ra là không, đến lúc chết đi cũng trở về không. Đầu không cuối không, khoảng giữa mấy chục năm bám vào đó cho là thật thì quá khờ dại, không thấy được lẽ thật.

Phật đã giác ngộ nên thấy đúng chân lý, nếu chúng ta thấy ngược lại là mê. Muốn tỉnh giác phải thấy năm uẩn không thật, cho nên ai kêu tên mình chửi cũng không giận. Khen chê là giả, đâu có gì thật thì qua được nhiều khổ ách. Ngược lại, thấy thân thật động tới là phiền não, khen vui, chê buồn đủ thứ, là do không thấy được chân lý. Bởi vậy tu là phải thấy lẽ thật, biết rõ thân này là không, duyên hợp giả có, tạm bợ hư dối. Chuyện gì đến cũng là trò chơi không quan trọng. Đó là cửa bước vào vô niệm.

Vô niệm là dứt nhân tạo nghiệp dẫn đi trong luân hồi sanh tử. Nhớ điều lành sanh cõi lành, nhớ điều dữ đọa cõi dữ. Muốn tu ra khỏi nghiệp lành, nghiệp dữ để giải thoát sanh tử thì phải vô niệm. Cho nên chúng ta phải tập vô niệm từng giờ, từng ngày. Nếu trong các oai nghi chưa vô niệm được, thì ít nhất hai buổi tọa thiền phải vô niệm. Ngồi thiền là tập cho tâm sanh diệt dừng lặng mới được định. Nó lặng rồi nhưng cái biết vẫn hiện tiền. Vì vậy tuy không nghĩ gì hết mà muỗi cắn vẫn biết như thường. Cái biết bao trùm không bao giờ mất, nó chân thật hằng hữu, nhưng lâu nay mình bỏ quên, mê muội chạy theo tâm sanh diệt, bị nó dẫn đi luân hồi trong lục đạo. Phật nói chúng sanh đáng thương là vì thế.

Suốt 49 ngày đêm Phật ngồi dưới cội bồ-đề chiến đấu nội ma ngoại chướng, dừng hết tâm sanh diệt nên được giác ngộ, hoàn toàn sống với tâm chân thật. Nếu chúng ta trong một giờ đồng hồ dừng tâm sanh diệt không nổi, coi như đầu hàng nó rồi. Tới chừng nhắm mắt giận ai thì nguy, chắc chắn đi vào đường xấu, chỉ có vô niệm mới giải thoát sanh tử. Bởi vậy Thiền tông lấy vô niệm làm tông chỉ, chỗ mà tất cả chúng ta phải đi tới.

Muốn ứng dụng đúng tinh thần nhà thiền, phải cố gắng đừng bị niệm chi phối. Vô niệm là then chốt để ra khỏi lục đạo luân hồi. Người tu cầu giải thoát sanh tử cần tập vô niệm, đó là việc bổn phận của mình. Tham sân si gốc từ niệm, được vô niệm tự nhiên hết tham sân si.

Ngày nay chúng ta tu hời hợt, nên chưa từng thực hành phần then chốt. Bây giờ biết rõ manh mối rồi phải ứng dụng cho tốt. Làm sao một ngày nào đó không còn niệm dẫn đi trong sanh tử. Tôi tự nhắc mình đã đến tuổi già, cho nên khoảng một hai năm nữa sẽ giao hết trọng trách cho những vị có khả năng, giành thời gian còn lại chuyên tâm tu hành. Vì thế quý vị trước phải tập lắng yên, tới lúc bớt việc sẽ chuyên sâu vào công phu hơn. Đi đứng nằm ngồi đều buông niệm, được thế việc tu tập mới có kết quả tốt đẹp.

Sự tu trong đạo Phật mới nhìn qua thấy như dễ. Tụng kinh, gõ mõ, đánh chuông, đánh khánh... đủ hết. Tu như vậy chỉ là ngoài da, nếu niệm niệm sanh diệt không đuổi được thì đi tới đâu? Cho nên muốn đạt đến mục đích rốt ráo là giải thoát sanh tử thì phải vô niệm, đó là điều không thể khác hơn. Tất cả chúng ta cố gắng nỗ lực buông xả, việc gì qua rồi cho qua luôn, để tâm thảnh thơi không một niệm. Trong oai nghi có dạy, trước khi ngồi thiền đọc thầm bài kệ:

Chánh thân đoan tọa,

Đương nguyện chúng sanh,

Tọa Bồ-đề tòa,

Tâm vô sở trước. 

Vô sở trước tức là không khởi nghĩ, không dính mắc bất cứ cái gì. Trải tọa cụ ngồi, tâm không vướng mắc tức là vô niệm. Hiểu thế chúng ta mới thấy chư Tổ rất khéo léo, trong tất cả việc làm ở mọi lúc mọi nơi, mỗi mỗi đều nhắc nhở bằng bài kệ ngắn gọn để mình nhớ. Rõ ràng chân tâm thường trực điều hành, nó sẵn có chỉ vì niệm che khuất. Ngồi thiền để định cái lăng xăng, chứ đâu phải định cái thường biết. Cái thường biết tràn ngập toàn thân vốn không động tịnh, đâu cần định nó.

Tu là phải tập dừng tâm lăng xăng giả dối, sống trở về cái thực của mình. Dù đi kinh hành hay ngồi thiền, tâm luôn luôn rỗng rang không một niệm là sống được với chân tâm. Tuy nhiên ngồi kiết-già nghiêm chỉnh, buông dễ hơn lúc đi tới đi lui. Bước ra khỏi chùa thì nghĩ kiểu này kiểu kia, bá vô trong mình đủ thứ chuyện. Miệng nói tôi tu giải thoát sanh tử, nhưng lại ôm ấp nghĩ suy hơn thua, phải quấy, tốt xấu, được mất thì không bao giờ giải thoát nổi. Đó là lẽ thật.

Quý vị không hiểu chủ đích mình nhắm nên tu lơ mơ, đối với cái thật lại lơ là. Mắc kẹt các duyên bên ngoài và tham sân si bên trong là nhân dẫn đi luân hồi không có ngày dừng. Muốn ra khỏi luân hồi phải trở về cái chân thật của mình. Nói trở về không phải có nơi chốn nào khác để trở về, mà ngay nơi mình dừng tâm sanh diệt, thì cái bất sanh bất diệt hiện tiền. Cũng như bụi phủ trên gương thành tối muốn gương sạch phải lau bụi thì gương sẽ sáng. Chân tâm hiện tiền cũng như thế, bởi vọng che phủ thành ra không biết nên cứ đi tìm. Thật ra muốn sống với cái chân thật chỉ cần dừng tâm sanh diệt. Đi đứng cứ đi đứng, không nghĩ không tưởng. Ngồi thiền buông tất cả, yên lắng mà thường biết gọi là thiền định.

Người thực tu thấm nhuần lý đạo, không hổ thẹn là người xuất gia cầu giải thoát sanh tử. Niệm là nhân dẫn chúng ta đi trong luân hồi lục đạo. Dừng niệm, sạch niệm là nhân giải thoát sanh tử. Trong mọi oai nghi, không khi nào chúng ta xao lãng sự tu. Ngồi thiền tâm yên tịnh, vừa dấy niệm liền dùng “vô niệm” hoặc “không niệm” đập thì nó sẽ tan. Nếu niệm khởi mà cứ im lặng thì nó tiếp tục sống dậy và dẫn mình đi hồi nào không hay. Chỗ này thật là khó, nhưng tôi đã thực tập được, điều phục lâu ngày thành ra thuần thục.

Tu trong các oai nghi khác, thường tự nhắc câu “chân tâm vô niệm” thì tâm không nghĩ bậy, không chạy ngược chạy xuôi. Nghĩa là chúng ta phải dùng dây thừng xỏ mũi giật nó lại. Muốn sống với chân tâm thì không niệm, vì vậy đi đứng nằm ngồi tập sống với chân tâm. Sự tu hành thật ra rất tinh vi chứ không thô tháo như những việc bên ngoài. Hai trường hợp tôi vừa nêu là phương pháp chặn đứng niệm khởi để tiến đến vô niệm. Đó là tu thiền theơ phương pháp tôi hướng dẫn.

Pháp tu chúng ta thực hành là lấy vô niệm làm tông chỉ. Ngồi thiền vô niệm, đi đứng nằm ngồi cũng vô niệm. Vô niệm thì khi nhắm mắt không còn bị nghiệp dẫn trong sanh tử. Còn niệm là còn nghiệp, niệm lành tạo nghiệp lành, niệm dữ tạo nghiệp dữ, kết quả đi trong lục đạo luân hồi. Muốn ra khỏi luân hồi phải vô niệm, đó là điểm trọng tâm. Tăng Ni nắm rõ gốc của sự tu mới thấy yên ổn. Nhiều người không hiểu nay lượm chỗ này một mớ, mai lượm chỗ kia một mớ, rốt cuộc không rõ mình đang tu pháp gì.

Muốn vô niệm phải biết rõ các pháp không thật, thân không thật, không nhớ nghĩ gì thêm. Còn lăng xăng, lộn xộn thì nhắm mắt bị nghiệp dẫn. Tôi bảo đảm vô niệm sẽ giải thoát sanh tử chắc chắn trăm phần trăm. Hôm nay những điều thiết yếu trong pháp tu thiền, tôi đều nói cho quý vị biết hết rồi, chỉ còn việc thực hành thôi. Mong tất cả cùng cố gắng, thương đời tu của mình mà nỗ lực không ngừng.

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 49170
  • Online: 15