Tham Thiền Yếu Chỉ Giảng Giải - Phần 1: Điều Kiện Quyết Định Đầu Tiên Của Sự Tham Thiền

28/05/2025 | Lượt xem: 41

HT.Hư Vân

HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng

Quyển Tham Thiền Yếu Chỉ là những lời chỉ dạy thiết yếu về phương pháp tham thiền của hòa thượng Hư Vân, chúng tôi sưu tập lại để cho người tu thiền biết được đường lối mà tu. Về phần tiểu sử của ngài trong các sách Phật giáo đều có in ấn, nên tôi chỉ giới thiệu sơ qua.

Hòa thượng Hư Vân là một thiền sư thời cận đại ở Trung Hoa, tu theo Thiền công án mà ngộ đạo, được nhiều người quý kính và tôn trọng. Quyển Tham Thiền Yếu Chỉ này gồm có năm phần.

 


PHẦN I

ĐIỀU KIỆN QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TIÊN CỦA SỰ THAM THIỀN

Chánh văn:

Mục đích tham thiền là cầu được minh tâm kiến tánh. Muốn thế, phải gạn lọc các thứ nhiễm ô của tự tâm, thấy rõ mặt thật của tự tánh. Nhiễm ô tức là vọng tưởng chấp trước. Tự tánh là đức tướng trí tuệ Như Lai. Đức tướng trí tuệ Như Lai, chư Phật và chúng sanh đồng có đủ, không hai không khác. Nếu rời vọng tưởng chấp trước là chứng được đức tướng trí tuệ Như Lai của mình; phải thế là Phật, không phải thế là chúng sanh. Chỉ vì chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay mê muội đắm chìm trong sanh tử, nhiễm ô đã lâu, không thể trong chốc lát thoát được vọng tưởng, thật thấy bản tánh, vì thế nên phải tham thiền. Điều kiện quyết định đầu tiên của sự tham thiền là trừ diệt vọng tưởng.

Phương pháp trừ vọng tưởng như thế nào? Đức Phật Thích-ca-mâu-ni nói phương pháp rất nhiều, nhưng rất giản lược chẳng qua một chữ “hết”, “hết là Bồ-đề”. Thiền tông do tổ sư Đạt-ma truyền sang Trung Hoa, sau đến đức Lục Tổ, tông phong bủa khắp sáng chiếu cổ kim. Câu rất khẩn yếu mà đức tổ sư Đạt-ma và Lục Tổ khai thị cho môn đồ là “Trừ sạch các duyên, một niệm không sanh”. Trừ sạch các duyên tức là vạn duyên buông hết. Hai câu “Vạn duyên buông hết, một niệm không sanh” chính là điều kiện quyết định đầu tiên của sự tham thiền. Hai câu ấy nếu thực hiện không được, tham thiền chẳng những nói không thành công mà vào cửa cũng không thể được. Bởi vì vạn duyên còn ràng buộc, niệm niệm mãi sanh diệt, ông làm sao tham thiền được?

“Vạn duyên buông hết, một niệm không sanh” là điều kiện quyết định đầu tiên của sự tham thiền, dĩ nhiên chúng ta đã biết. Nhưng phải làm thế nào mới có thể thực hiện được? Có hai cách:

1. Bậc thượng, một niệm hằng dứt, thẳng đến vô sanh liền chứng Bồ-đề, không còn một mảy may ràng buộc.

2. Bậc thứ, dùng lý trừ sự, biết rõ tự tánh xưa nay vẫn thanh tịnh, phiền não Bồ-đề, sanh tử Niết-bàn đều là giả danh không can dự gì đến tự tánh của ta. Muôn sự muôn vật đều là việc chiêm bao, huyễn hóa, hòn bọt, cái bóng. Sắc thân tứ đại của ta đây và sơn hà đại địa ở trong tự tánh như hòn bọt ngoài bể cả, mặc tình sanh diệt không ngại gì bản thể. Ta không nên theo sự sanh, trụ, dị, diệt của tất cả cái huyễn hóa ấy mà khởi ưa, chán, thủ, xả. Toàn thân buông hết như người chết không khác, tự nhiên căn, trần, thức, tâm tan biến; tham, sân, si, ái diệt sạch. Mọi việc đau nhức, khổ vui, đói lạnh, no ấm, vinh nhục, sanh tử, họa phước, kiết hung, chê khen, được mất, an nguy, khó dễ v.v... nơi thân một mực đẩy chúng ra ngoài. Có thế mới mong buông hết. Một buông, tất cả đều buông, mãi mãi buông gọi là vạn duyên buông hết. Vạn duyên buông hết rồi, vọng tưởng tự tiêu, phân biệt không khởi, các chấp trước hằng xa lìa. Khi ấy, một niệm không sanh, tự tánh sáng suốt, toàn thể hiện bày. Được vậy là điều kiện tham thiền đã đầy đủ, lại dụng công chân thật tham cứu mới có thể được minh tâm kiến tánh.

Hằng ngày thường có các vị tu thiền đến hỏi câu thoại đầu. Phàm là pháp vốn không phải pháp, một khi rơi vào ngôn ngữ tức không phải thật nghĩa. Biết được một tâm này xưa nay là Phật, ngay đó vô sự muôn việc hiện thành, nói tu nói chứng đều là ma thuyết. Đức Đạt-ma sang Trung Hoa “Chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”. Chỉ bày rành rõ tất cả chúng sanh đều là Phật. Thẳng đó nhận được tự tánh thanh tịnh này, tùy thuận không nhiễm ô, trong hai mươi bốn giờ đi đứng ngồi nằm tâm không khởi vọng, ấy là hiện thân thành Phật; chẳng cần dụng tâm dụng lực, cũng chẳng cần tạo tác thi vi, không nhọc mảy may suy nghĩ nói năng. Do đó, nói thành Phật là việc rất dễ dàng, rất tự tại, đạt được là tại nơi ta, không phải cầu bên ngoài. Tất cả chúng sanh trên thế giới này, nếu thật không cam chịu trường kiếp trầm luân trong tứ sanh lục đạo, hằng đắm chìm nơi bể khổ, muốn thành Phật được thường, lạc, ngã, tịnh, phải tin lời chân thật của Phật tổ “buông hết tất cả, không nghĩ nhớ thiện ác”, mỗi người khả dĩ liền đó thành Phật. Chư Phật Bồ-tát và lịch đại chư vị tổ sư phát nguyện độ hết tất cả chúng sanh, không phải là không bằng cứ, đâu phải chỉ hứa nguyện suông.

Đã nói ở trên, pháp vốn như vậy, Phật tổ lắm phen dạy rõ căn dặn kỹ càng, là chân ngữ thật ngữ, không một mảy hư dối. Phật do lòng đại từ bi không nệ tất cả chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay mê muội chìm đắm trong biển khổ sanh tử, vừa ra lại vào, luân chuyển không dừng, mê lầm điên đảo, trái tánh giác hợp vọng trần. Ví như vàng ròng bỏ vào hầm phẩn, không những chẳng dùng được mà lại nhơ nhớp quá lắm. Ngài bất đắc dĩ nói ra tám muôn bốn ngàn pháp môn, tùy căn cơ chẳng đồng của chúng sanh dùng đối trị tham, sân, si, ái v.v... tám muôn bốn ngàn bệnh tập khí vi tế. Như vàng đã dính các thứ nhơ nhớp, mới dạy người dùng sạn, bàn chải, nước, vải v.v... để mài giũa, chùi rửa nó. Sở dĩ Phật nói pháp, mỗi môn đều là diệu pháp, đều có thể liễu thoát sanh tử, thành Phật đạo. Chỉ có vấn đề hợp cơ hay không hợp cơ, không cần phân biệt pháp môn cao hay thấp. Pháp môn lưu truyền ở Trung Hoa rất phổ thông là Tông, Giáo, Luật, Tịnh, Mật. Năm pháp môn này tùy căn tánh và chỗ hứng thú của mỗi người thực hành môn nào cũng tốt. Quan trọng là trong một môn được thâm nhập, trải thời gian lâu không đổi thay, như vậy khả dĩ thành tựu.

Về Tông môn chủ trương tham thiền, tham thiền cốt “Minh tâm kiến tánh”, cần tham suốt được cái “bản lai diện mục của mình”, nên nói “Giác ngộ tự tâm, thấy suốt bản tánh”. Pháp môn này phát nguyên từ hội Linh Sơn, Phật đưa cành hoa sen, ngài Ca-diếp cười chúm chím, đến tổ sư Đạt-ma truyền sang Trung Hoa, về sau chỗ hạ thủ công phu đã từng thay đổi. Các bậc Thiền đức trước đời Đường đời Tống phần nhiều nghe một lời hoặc nửa câu được ngộ đạo. Thầy trò truyền nhau chẳng qua dùng tâm ấn tâm, không có một thật pháp. Ngày thường thưa hỏi, trả lời cũng chẳng qua tùy cách phá chấp, theo bệnh cho thuốc mà thôi. Từ đời Tống về sau, người học đạo căn tánh yếu ớt cạn hẹp, nói được mà làm không được. Ví như nói “buông hết tất cả”, “không nghĩ thiện ác”, thảy đều buông mà không hết, không nghĩ thiện thì nghĩ ác. Đến thời đại này tổ sư bất đắc dĩ dùng biện pháp lấy độc trừ độc, dạy người học tham công án. Ban đầu khán thoại đầu thậm chí thiết tha cắn chặt một câu “tử thoại đầu”, dạy phải nghiến ngầm cấp bách không một sát-na lơi lỏng, giống như con chuột khoét rương cắn mãi một chỗ, chưa phủng thì không dừng. Dạy như vậy, mục đích lấy một niệm trừ muôn niệm. Kỳ thật, đó cũng là một biện pháp bất đắc dĩ, như mụt nhọt độc trong thân, nếu không dùng dao mổ thì bệnh khó lành. Công án của cổ nhân rất nhiều, sau này chuyên dạy khán thoại đầu, khán “Mang thây thối ấy là gì?”, khán “Trước khi cha mẹ chưa sanh, thế nào là mặt thật xưa nay của ta?” Gần đây, các nơi phần nhiều dùng một câu thoại đầu khán “Niệm Phật là gì?”. Kỳ thật, những câu thoại đầu đều cùng một loại, đều rất bình thường không có gì kỳ lạ đặc biệt. Có thể ta nói: khán “Niệm kinh là gì?”, khán “Trì chú là gì?”, khán “Lễ Phật là gì?”, khán “Đi đường là gì?”, khán “Ngủ mới thức là gì?”... đều cùng một loại như nhau. Sau chữ “gì” là đáp án, nó vốn là tâm. Thoại (lời nói) từ tâm khởi, tâm là đầu của thoại. Niệm từ tâm khởi, tâm là đầu của niệm. Muôn pháp đều từ tâm khởi, tâm là đầu của muôn pháp. Kỳ thật, thoại đầu tức là niệm đầu, trước niệm chính là tâm. Nói thẳng, trước khi một niệm chưa sanh là thoại đầu. Do đây, chúng ta biết khán thoại đầu tức là quán tâm. Trước khi cha mẹ chưa sanh, mặt thật xưa nay tức là tâm. Khán trước khi cha mẹ chưa sanh, mặt thật xưa nay là quán tâm. Tánh cũng tức là tâm. Câu “Phản văn văn tự tánh” (xoay cái nghe nghe tự tánh) là phản quán quán tự tâm. Câu “Viên chiếu thanh tịnh giác tướng” (chiếu khắp tướng giác thanh tịnh), thanh tịnh giác tướng tức là tâm, chiếu tức là quán. Tâm tức là Phật, niệm Phật tức là quán Phật, quán Phật tức là quán tâm. Sở dĩ nói “khán thoại đầu” hoặc nói “khán niệm Phật là gì” đều là quán tâm, quán chiếu giác thể tự tâm thanh tịnh, là quán chiếu Phật tánh của mình. Tâm tức là tánh, tức là giác, tức là Phật, không có hình tướng chỗ nơi, trọn không thể được, sẵn vậy thanh tịnh, khắp cả pháp giới, không ra không vào, không qua không lại, chính là xưa nay hiện thành pháp thân Phật thanh tịnh. Hành nhân thu nhiếp lục căn, khán từ chỗ một niệm mới sanh, soi xét một câu thoại đầu này, khán đến chỗ tự tâm thanh tịnh ly niệm. Lại tiến lên, càng thầm kín dày dặc, lặng lẽ yên tịnh, tuy tịch mà chiếu, thẳng đó ngũ uẩn đều không, thân tâm đều vắng lặng, hoàn toàn không có một việc. Từ đây ngày đêm đi đứng ngồi nằm như như không động, càng lâu công phu càng dày liền được thấy tánh thành Phật, vượt qua mọi khổ ách. Xưa tổ sư Cao Phong nói: “Người học đạo hay khán một câu thoại đầu, như gieo hòn gạch xuống hồ sâu muôn trượng, rơi thẳng tận đáy, được vậy trong bảy ngày, nếu không khai ngộ, lão tăng xin dâng thủ cấp.” Bạn đồng tham thiền! Câu nói của người xưa là chân ngữ, thật ngữ, không phải lời nói dối trá lừa đảo đâu!

Nhưng, tại sao người hiện thời khán thoại đầu rất nhiều, mà không có mấy người ngộ đạo? Ấy là do người hiện thời căn cơ không bằng người xưa, cũng tại người học đạo đường lối tham thiền khán thoại đầu đa số không rành rõ. Có người tham đông hỏi tây, cầu nam thỉnh bắc, kết quả chỉ là loạn động đến già, một câu thoại đầu vẫn không rành rõ, không biết thế nào là thoại đầu thì làm sao khán thoại đầu? Một đời chỉ chấp trước ngôn cú, danh tướng, dụng tâm tại thoại vĩ (đuôi lời nói) mà thôi. Hoặc có người “Khán niệm Phật là gì?”, hoặc “Chiếu cố thoại đầu”, khán qua khán lại, tham tới tham lui cùng câu thoại đầu đông tây chạy ngược nhau. Như vậy, làm sao hội ngộ được cái vô vi đại đạo bản nhiên này? Làm sao đến được cái vương vị tất cả không thọ? Hoặc có người bỏ mạt vàng vào con mắt, con mắt bị mù, làm sao được phóng quang sáng suốt? Đáng thương thay! Đáng thương thay! Có những người hảo tâm xuất gia chí nguyện phi phàm, mà kết quả chỉ một bề nhọc công vô ích, rất đáng thương xót! Người xưa nói: “Thà đành ngàn năm không ngộ, không cam một ngày sai lầm.”

Người tu hành ngộ đạo dễ mà khó, khó mà dễ, giống như vặn nút đèn điện, biết thì khoảng khảy móng tay đèn cháy sáng trưng, cái đen tối muôn năm liền hết, không biết thì vặn máy hỏng đèn hư, phiền não càng tăng trưởng. Có một ít người tham thiền khán thoại đầu bị ma phát điên, thổ huyết, mắc bệnh, bởi vì lửa vô minh quá to, chấp nhân ngã thật dày, đó là những gương rất rõ ràng. Sở dĩ người dụng công cốt khéo điều hòa thân tâm, cần phải tâm bình khí hòa, không chướng ngại, không nhân ngã, đi đứng ngồi nằm khéo hợp với máy huyền diệu.

Pháp tham thiền xưa nay không có phân biệt, chỉ do công phu tu tập, sơ tham có khó và dễ, lão tham cũng có khó và dễ. Cái khó của người sơ tham là thế nào? Vì thân tâm không thuần thục, đường lối chưa rành rõ, dụng công không đến nơi, nếu trong tâm không chấp cấp bách thì bị bệnh ngủ gật qua ngày, kết quả thành: “Năm đầu sơ tham, năm thứ hai lão tham, năm thứ ba không tham.” Cái dễ là sao? Chỉ cần đầy đủ tín tâm, tâm lâu bền và vô tâm. Tín tâm, một là tin tâm ta đây xưa nay là Phật, cùng chư Phật mười phương và chúng sanh không khác; hai là tin pháp của đức Phật Thích-ca-mâu-ni nói, mỗi pháp đều được liễu sanh thoát tử và thành Phật đạo. Tâm lâu bền, phải tuyển chọn nhất định một pháp, trọn đời thực hành, cho đến đời sau và đời sau nữa đều như thế hành trì. Nếu là tham thiền thì cứ như thế mà tham, nếu niệm Phật thì cứ như thế mà niệm, nếu trì chú thì cứ như thế mà trì, nếu học giáo lý thì cứ từ văn, tư, tu mà thực hành. Dù tu một pháp môn nào cũng lấy giới làm căn bản. Nếu đúng như vậy mà thực hành sau này nhất định thành công. Lão nhân Quy Sơn nói: “Nếu có người hay thực hành pháp này (tham thiền) ba đời không lui sụt, quả vị Phật quyết định có ngày.” Lão nhân Vĩnh Gia nói: “Nếu dùng vọng ngữ lừa chúng sanh, hằng đọa địa ngục Bạt Thiệt số kiếp như cát bụi.” Vô tâm chính là buông hết tất cả, giống hệt như người chết, trọn ngày tùy chúng làm việc mà không khởi một điểm phân biệt chấp trước, thành một vị đạo nhân vô tâm. Người sơ tham đầy đủ ba tâm ấy rồi, nếu tham thiền khán thoại đầu, nên khán “Niệm Phật là gì?” Ông tự thầm niệm ít tiếng “A-di-đà Phật”, khán cái niệm Phật đó là gì? Một niệm ấy từ chỗ nào phát khởi? Nên biết, một niệm ấy không phải từ miệng ta khởi, cũng không phải từ thân thịt ta khởi. Nếu từ thân miệng ta khởi, khi ta chết rồi thân miệng vẫn còn sao không thể niệm? Phải biết, một niệm này là từ tâm ta khởi, tức từ chỗ tâm niệm khởi phải chăm chăm nhìn thẳng nơi đó, như mèo rình chuột, toàn thể tinh thần tập trung vào một chỗ này, không có niệm thứ hai. Chỉ cần giữ trung bình giữa hoãn và gấp, không cho gấp quá sẽ phát bệnh chướng. Đi đứng ngồi nằm đều giữ như vậy, lâu ngày công phu đầy đủ, thời tiết nhân duyên đến, một phen xúc chạm quả dưa chín cuống rụng bỗng nhiên đại ngộ. Khi ấy, như người uống nước lạnh nóng tự biết, thẳng đến chỗ không nghi ngờ, như ở ngã tư đầu đường gặp được cha rất an vui.

Cái khó dễ của người lão tham thế nào? Lão tham là người đã gần gũi thiện tri thức, dụng công nhiều năm, đã trải qua một phen luyện lọc thân tâm thuần thục, đường lối rành rõ, dụng công một cách tự tại không thấy cay đắng. Cái khó của bậc thượng tọa lão tham chính là dừng trụ trong chỗ tự tại sáng suốt, nghỉ trong Hóa thành không đến Bảo sở. Hay tịnh không hay động, không thể được cái chân thật thọ dụng; thậm chí gặp cảnh sanh tình thủ xả như xưa, ưa chán cũng hiện rõ. Vọng tưởng thô và tế vẫn nguyên vẹn bền chắc, chỗ dụng công như hòn đá ngâm nước lạnh không có tác dụng, lâu dần cũng sanh mỏi mệt, trọn không thể đắc quả khởi dụng. Thượng tọa lão tham! Biết được cái khốn khó này rồi, lập tức đề khởi câu thoại đầu cũ, phấn chấn tinh thần, đầu sào trăm trượng lại bước vượt lên, thẳng đến đảnh núi cao chót vót mà đứng, tận đáy biển sâu thăm thẳm mà đi, buông tay tung hoành, cùng gặp gỡ chư vị Phật tổ, những cái khốn khó đâu còn, không dễ là gì?

Thoại đầu tức là nhất tâm, cái nhất tâm này của chúng ta không phải ở trong, ngoài và chặng giữa, mà cũng ở trong, ngoài và chặng giữa, như hư không không động mà khắp tất cả chỗ. Sở dĩ thoại đầu không nên đem lên trên, cũng không nên đè xuống dưới. Đem lên trên thì dẫn khởi tán loạn, đè xuống dưới thì rơi vào hôn trầm, trái với tánh chất bản tâm, đều không phải là Trung đạo. Các vị sợ vọng tưởng, cho hàng phục vọng tưởng là rất khó khăn. Tôi xin thưa quý vị, không nên sợ vọng tưởng cũng không cần phí sức hàng phục vọng tưởng. Các vị chỉ cần nhận ra vọng tưởng, không chấp trước nó, không tùy thuận nó, cũng chẳng cần xua đuổi nó, chỉ không cho tiếp tục thì vọng tưởng tự lìa. Nên nói: “Vọng khởi liền biết, biết vọng liền lìa.” Nếu khéo lợi dụng vọng tưởng khởi công phu, khán vọng tưởng này từ chỗ nào phát sanh. Vọng tưởng không tánh chính nó là không, tức là tâm tánh vốn không của ta, tự tánh thanh tịnh pháp thân Phật ngay đây được hiện tiền. Xét thật mà nói, chân vọng một thể, chúng sanh và Phật không hai, sanh tử Niết-bàn, phiền não Bồ-đề đều là bản tâm bản tánh, không cần phân biệt, không cần ưa chán, không cần thủ xả. Tâm thanh tịnh này xưa nay là Phật, không nhận một pháp, làm gì có nhiều mối. Tham!

Giảng:

Mục đích tham thiền là cầu được minh tâm kiến tánh. Muốn thế, phải gạn lọc các thứ nhiễm ô của tự tâm, thấy rõ mặt thật của tự tánh. Nhiễm ô tức là vọng tưởng chấp trước. Tự tánh là đức tướng trí tuệ Như Lai. Đức tướng trí tuệ Như Lai, chư Phật và chúng sanh đồng có đủ, không hai không khác. Nếu rời vọng tưởng chấp trước là chứng được đức tướng trí tuệ Như Lai của mình; phải thế là Phật, không phải thế là chúng sanh.

Mục đích tham thiền là cầu được minh tâm kiến tánh. Minh tâm là sáng được tâm, kiến tánh là nhận thấy được bản tánh của chính mình. Người tu thiền cốt làm sao rõ được tâm chân thật và nhận ra bản tánh sẵn có của mình. Muốn thế, phải gạn lọc các thứ nhiễm ô của tự tâm, thấy rõ mặt thật của tự tánh. Mỗi người đều sẵn có tâm chân thật, thể tánh bất sanh bất diệt, nhưng vì những thứ nhiễm ô che đậy làm cho khuất lấp nên không thấy được. Chúng ta tu là phải gạn lọc các thứ nhiễm ô để thấy được bản tâm, rõ được bản tánh của mình. Nhiễm ô là gì? Nhiễm ô tức là vọng tưởng chấp trước. Vọng tưởng chấp trước từ thuở nào đến giờ, cái đó làm cho khuất lấp tánh chân thật, nên gọi nó là nhiễm ô.

Đức tướng trí tuệ Như Lai, chư Phật và chúng sanh đồng có đủ, không hai không khác. Nhiễm ô là vọng tưởng phiền não, còn đức tướng trí tuệ Như Lai là tự tánh của chính mình, tất cả chư Phật và chúng sanh đồng đầy đủ, không hai không khác. Đức tướng trí tuệ ở chư Phật có đủ, điều đó không nghi ngờ; còn nói chúng ta cũng sẵn đủ như chư Phật thì tại sao lại làm chúng sanh? Bởi vì có mà quên, nên để cho nhiễm ô che lấp. Bây giờ muốn thấy được thì phải chịu khó dẹp sạch các thứ nhiễm ô. Dẹp hết nhiễm ô rồi thì cái thật hiện ra. Nên nói, nếu rời vọng tưởng chấp trước là chứng được đức tướng trí tuệ Như Lai của mình. Đức tướng trí tuệ này tất cả đều có đủ, vậy mà không ai dám nhận.

Phải thế là Phật, không phải thế là chúng sanh. Phải thế, tức rời vọng tưởng chấp trước, đó là Phật. Không phải thế, tức còn ôm ấp vọng tưởng chấp trước thì là chúng sanh. Tu là một việc làm hết sức cay đắng, nhưng cũng thật dễ dàng. Cay đắng bởi vì rời không được vọng tưởng chấp trước, nếu chịu xa rời vọng tưởng chấp trước thì thật dễ dàng. Nếu muốn thành Phật mà cứ ôm vọng tưởng chấp trước hoài sao được. Như người leo núi mà trong bị quảy đủ thứ đồ nhơ xấu nặng trĩu, nhọc nhằn quá leo không nổi thở ngắn than dài. Có người biết việc khuyên, muốn leo núi nhẹ thì bỏ cái túi nặng đó đi. Nếu chịu bỏ thì nhẹ nhàng leo núi được dễ dàng, còn cứ đeo cái túi nặng trĩu đó hoài thì làm sao leo lên tới nơi được.

Chúng ta kiểm lại xem, vọng tưởng của mình là chân thật quý báu hay tạp nhạp mà sao cứ ôm vô hoài? Ngồi xuống muốn yên lặng mà vọng tưởng ở đâu cứ khởi lên, cả buổi đầu óc không yên, muốn bỏ mà bỏ không được. Bởi tích lũy nhiều năm quá rồi, bây giờ bỏ cái này thì cái khác trồi ra, cho nên khi tu phải can đảm buông bỏ. Buông bỏ không khó, nhưng vì cố chấp nên không nỡ bỏ. Ví dụ có người nói năng lấn hiếp mình, lúc đó buồn giận nhưng không biết làm gì, đến khi ngồi thiền nhớ lại rồi tính tới nghĩ lui ôm ấp hoài không bỏ. Nếu nhớ mình đang ngồi thiền thì phải dứt khoát buông bỏ. Dù nghĩ cái gì hay, tính cái gì giỏi cũng bỏ, không để những thứ đó khuấy động. Được như vậy thì tâm dần dần yên lặng, bản tánh chân tâm tự hiện sáng suốt.

Chỉ vì chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay mê muội đắm chìm trong sanh tử, nhiễm ô đã lâu, không thể trong chốc lát thoát được vọng tưởng, thật thấy bản tánh, vì thế nên phải tham thiền. Điều kiện quyết định đầu tiên của sự tham thiền là trừ diệt vọng tưởng.

Bởi đã huân lâu quá rồi, từ muôn đời muôn kiếp cho đến bây giờ, nên bỏ một lần không hết. Vì vậy mà phải cố gắng, chuyên tập tham thiền để diệt trừ vọng tưởng. Nhưng làm sao trừ được vọng tưởng? Kế đây ngài sẽ dạy cho chúng ta phương pháp.

Phương pháp trừ vọng tưởng như thế nào? Đức Phật Thích-ca-mâu-ni nói phương pháp rất nhiều, nhưng rất giản lược chẳng qua một chữ “hết”, “hết là Bồ-đề”.

Phật nói nhiều phương pháp đều không ngoài một chữ Hết. Hết vọng tưởng. Muốn tu thành Phật, muốn đạt được vị Tổ chỉ cần một chữ Hết. Chúng ta cứ nghĩ, mình có suy tính tốt xấu hơn thua phải quấy thì mới khôn lanh, còn hết vọng tưởng rồi chắc buồn lắm, không biết lúc ấy ra sao? Bởi quen sống với tâm sanh diệt đối đãi, nên nghe nói hết vọng tưởng thì lo lắng, sợ mình không còn gì nữa. Sự thật không phải vậy. Ở đây ngài nói, hết là Bồ-đề. Hết vọng tưởng là giác ngộ, chứ không phải hết vọng tưởng rồi không còn gì hết.

Thiền tông do tổ sư Đạt-ma truyền sang Trung Hoa, sau đến đức Lục Tổ, tông phong bủa khắp sáng chiếu cổ kim. Câu rất khẩn yếu mà đức tổ sư Đạt-ma và Lục Tổ khai thị cho môn đồ là “Trừ sạch các duyên, một niệm không sanh”. Trừ sạch các duyên tức là vạn duyên buông hết. Hai câu “Vạn duyên buông hết, một niệm không sanh” chính là điều kiện quyết định đầu tiên của sự tham thiền. Hai câu ấy nếu thực hiện không được, tham thiền chẳng những nói không thành công mà vào cửa cũng không thể được. Bởi vì vạn duyên còn ràng buộc, niệm niệm mãi sanh diệt, ông làm sao tham thiền được?

Ngài Huệ Khả sau khi biết đường vào, một hôm bạch với tổ Đạt-ma: “Nay con đã dứt hết các duyên.” Tổ bảo: “Coi chừng rơi vào không.” Ngài nói: “Rõ ràng thường biết làm sao không được.” Tổ liền ấn chứng. Nên nói Trừ sạch các duyên, một niệm không sanh, đó là chỗ thiết yếu. Chỗ này là chỗ rất khó, nhưng làm được thì sự tham thiền mới thành công.

“Vạn duyên buông hết, một niệm không sanh” là điều kiện quyết định đầu tiên của sự tham thiền, dĩ nhiên chúng ta đã biết. Nhưng phải làm thế nào mới có thể thực hiện được? Có hai cách:

1.  Bậc thượng, một niệm hằng dứt, thẳng đến vô sanh liền chứng Bồ-đề, không còn một mảy may ràng buộc.

2.  Bậc thứ, dùng lý trừ sự, biết rõ tự tánh xưa nay vẫn thanh tịnh, phiền não Bồ-đề, sanh tử Niết-bàn đều là giả danh không can dự gì đến tự tánh của ta. Muôn sự muôn vật đều là việc chiêm bao, huyễn hóa, hòn bọt, cái bóng. Sắc thân tứ đại của ta đây và sơn hà đại địa ở trong tự tánh như hòn bọt ngoài bể cả, mặc tình sanh diệt không ngại gì bản thể. Ta không nên theo sự sanh, trụ, dị, diệt của tất cả cái huyễn hóa ấy mà khởi ưa, chán, thủ, xả. Toàn thân buông hết như người chết không khác, tự nhiên căn, trần, thức, tâm tan biến; tham, sân, si, ái diệt sạch. Mọi việc đau nhức, khổ vui, đói lạnh, no ấm, vinh nhục, sanh tử, họa phước, kiết hung, chê khen, được mất, an nguy, khó dễ v.v... nơi thân một mực đẩy chúng ra ngoài. Có thế mới mong buông hết. Một buông, tất cả đều buông, mãi mãi buông gọi là vạn duyên buông hết. Vạn duyên buông hết rồi, vọng tưởng tự tiêu, phân biệt không khởi, các chấp trước hằng xa lìa. Khi ấy, một niệm không sanh, tự tánh sáng suốt, toàn thể hiện bày. Được vậy là điều kiện tham thiền đã đầy đủ, lại dụng công chân thật tham cứu mới có thể được minh tâm kiến tánh.

Thực hiện vạn duyên buông hết, một niệm không sanh, có hai cách: Cách thứ nhất chỉ cho bậc thượng.

Một niệm hằng dứt, thẳng đến vô sanh liền chứng Bồ-đề, không còn một mảy may ràng buộc.

Cách thứ hai chỉ cho bậc thứ, phải tu dùng lý mà trừ sự. Lý tức là nhận chân được tất cả pháp ở bên ngoài do nhân duyên hòa hợp, như chiêm bao, huyễn hóa, bọt bóng v.v... Sắc thân của mình và sơn hà đại địa ở trong tự tánh như hòn bọt ngoài bể cả, mặc tình sanh diệt không ngại gì bản thể. Vì vậy, muốn dẹp trừ những thứ chấp, trước hết phải xét tột cùng lý thật của các pháp.

Tất cả pháp trên thế gian đều do nhân duyên hòa hợp không có thật thể, có đó cũng chỉ là giả dối không thật. Sở dĩ chúng ta chấp hơn thua phải quấy vì thấy các pháp là thật, nên mới thích khen ghét chê... sanh ra bao thứ phiền não. Nếu thấy được các pháp không thật thì còn gì mà chấp, mà mến thương gìn giữ. Hiểu như vậy rồi chúng ta mới xa lìa được cố chấp, nên nói dùng lý để trừ sự. Trong kinh Kim Cang, Phật nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai.” Muốn gặp Phật không khó, chỉ cần thấy các tướng không thật là thấy Phật. Chúng ta tu luôn dùng trí suy gẫm thấy được lẽ thật, sống trở về tự tánh thì không còn chấp dính, còn hiện giờ mãi sống với mê lầm nên thấy cái gì cũng thật, cũng dính mắc. Phật tức là tánh giác của chính mình, chấp là mê lầm thì làm sao thấy Phật được.

Thiền sư Duy Tín nói: “Trước ba mươi năm thấy núi sông là núi sông. Khi gặp thiện hữu tri thức chỉ dạy, thấy núi sông không phải là núi sông. Sau ba mươi năm thấy núi sông là núi sông.” Trước ba mươi năm, khi chưa học đạo thấy núi sông là núi sông, như chúng ta bây giờ thấy cái gì cũng thật. Khi gặp thiện hữu tri thức được chỉ dạy, biết tất cả đều là tướng duyên hợp hư giả không thật, nên thấy núi sông không phải là núi sông. Sau ba mươi năm đã xong việc rồi, thấy núi là núi, sông là sông, các pháp hiện có như vậy chỉ là như vậy, không thêm không bớt.

Phật chỉ cho biết con người và muôn vật là sự chuyển biến hợp tan không có gì là thật, vậy mà chúng ta cứ tưởng thật. Đã là chuyển biến thì nay còn mai mất, hợp tan bất thường làm sao thật được? Mới hôm qua còn thấy người thân quen, hôm nay sửa soạn đi đám tang. Có đó rồi mất đó, không nhất định. Thân chúng ta đang sống mấy mươi năm, trôi qua như giấc mộng, không có gì là thật hết. Cho nên khi tu là phải biết rõ các pháp duyên hợp tạm bợ hư dối thì mới can đảm gỡ bỏ chấp trước. Không thật biết không thật là thấy bằng trí tuệ dẹp được si mê, còn tưởng thật là suy nghĩ sai lầm chấp trước.

Thí dụ có một Phật tử đang ở đây, bất ngờ bị kẻ khác hủy nhục mắng nhiếc là ngu dốt thì lúc đó thế nào? Chắc là mất hết bình tĩnh. Nhưng tại sao lại mất bình tĩnh? Vì không chấp nhận mình ngu. Tất cả chúng ta ai cũng nghĩ mình khôn ngoan sáng suốt, nên cố gắng cãi lại để chứng tỏ sự khôn ngoan sáng suốt của mình, mà không ngờ lúc đó hết khôn hết sáng rồi. Nếu nghe nói ngu mà vẫn tỉnh táo không chấp thì sáng suốt trọn vẹn, không bị kẹt trong mê lầm.

Người tu khi còn trẻ, còn khỏe mạnh cần thấy được lẽ thật đó, để không cố chấp vững tiến tu hành. Nếu đợi tới giờ phút chót sắp mất rồi, mới thấy thân không thật thì còn gì nữa mà tu. Đức Phật rất kỳ đặc, khi còn làm thái tử đi qua bốn cửa thành, thấy cảnh già bệnh chết ngài liền nghĩ: “Những người kia bị già bệnh chết, ta là con người như họ, vậy ta cũng sẽ già, sẽ bệnh và sẽ chết.” Quán sát như vậy rồi ngài liền tỉnh ngộ đi tu. Chúng ta từng thấy bao nhiêu người già, người bệnh, người chết mà có tỉnh chưa? Đừng tưởng mình không già, không bệnh, không chết. Đó là một lẽ thật mà chúng ta phải tỉnh táo, khéo nhận ra để tu hành, không nên cứ mãi chìm trong mê lầm.

Như vậy, giá trị của người tu là phải biết trước cuộc đời của mình sẽ kết thúc như thế nào. Biết rồi mới cố gắng tu hành, còn không biết đợi sắp chết mới hoảng hốt cầu xin, rước thầy hộ niệm. Lúc sống không chịu tỉnh, chết tới nơi rồi làm sao tỉnh kịp? Hộ niệm chỉ là phụ trợ bên ngoài, đâu thể chuyển nổi tâm mê lầm cho mình. Vì vậy cần phải thấy thấu đáo được chỗ mê lầm của mình để mà sửa, chứ mờ mịt lầm mê hoài thì không thể có kết quả tốt đẹp được.

Khi ấy một niệm không sanh, tự tánh sáng suốt, toàn thể hiện bày. Chừng nào một niệm không còn thì chừng đó mới thật là sáng suốt. Được vậy là điều kiện tham thiền đã đầy đủ, lại dụng công chân thật tham cứu mới có thể được minh tâm kiến tánh.

Hằng ngày thường có các vị tu thiền đến hỏi câu thoại đầu. Phàm là pháp vốn không phải pháp, một khi rơi vào ngôn ngữ tức không phải thật nghĩa. Biết được một tâm này xưa nay là Phật, ngay đó vô sự muôn việc hiện thành, nói tu nói chứng đều là ma thuyết.

Bây giờ quý thầy quý cô thường nhắc các Phật tử ráng tu để chứng đạo, vậy thành ma thuyết hết phải không? Hằng đêm chúng ta đọc kinh Bát-nhã nói vô sở đắc, tức là không có chỗ được. Vậy không chỗ được là không có tu sao? Đây là điều hết sức thực tế mà chúng ta cứ ngỡ như chuyện xa vời. Thông thường chúng ta hay nghĩ tu là sửa sang, giũa gọt những thứ xấu dở của mình. Nhưng tâm đâu phải như cây cong mà uốn lại từ từ cho thẳng, chẳng qua chỉ do mê lầm mà thôi. Bởi mê nhận sai lầm, cái hư dối tưởng là chân thật nên thấy muôn sự đều thật, rồi bám vào đó sanh hơn thua, phải quấy, được mất... thành bao nhiêu thứ bệnh. Nếu tỉnh sáng chỉ cần chuyển mê lầm thì hết chấp, là có trí tuệ sáng suốt, vọng tưởng điên đảo theo đó dứt, tự tánh Bồ-đề hiện. Điên đảo là mê, Bồ-đề là giác. Hết mê thì giác hiện, hết tối thì sáng hiện.

Như trong nhà này, ban đêm tắt đèn thì tối, mở đèn lên thì thấy sáng sủa. Vậy sáng từ đâu ra, tối từ đâu lại? Không thể nói từ đâu, chỉ là có đèn thì sáng, không đèn thì tối. Tâm chúng ta cũng vậy, luôn luôn tỉnh sáng nhưng vì lầm chấp làm cho mờ tối. Bây giờ biết tu, nhìn thấu được lẽ thật của các pháp, những thứ chấp nê sai lầm hết, tự tánh sáng suốt hiện. Như vậy cái sáng đó là của tự mình hiện ra, chứ đâu phải có được cái gì khác. Ở đâu tới mới gọi là được, còn cái tự mình có thì đâu thể gọi là được. Nên nói không chỗ được. Bồ-tát y cứ vào không chỗ được mà chứng quả vị vô lậu giải thoát Niết-bàn. Phật cũng y theo đó mà thành tựu Phật quả.

Như sự học ở thế gian, học hết mỗi cấp thi đậu được tấm bằng. Như vậy bằng cấp chỉ là tấm giấy chứng nhận do bên ngoài cấp, còn cái thật chính là trí tuệ hiểu biết từ bên trong của mình. Trí tuệ ấy là thật, còn tấm giấy ở ngoài là giả vì có thể gian lận được. Cũng vậy, người tu chân thật là phải tự mình khai phá dẹp trừ mê lầm để cho trí tuệ sáng suốt. Muốn dẹp mê lầm trước phải nương trí tuệ Phật để tỏ ngộ trí tuệ của mình, tức là phải học lời Phật dạy trong kinh, quán chiếu dần dần thâm nhập. Đem cây đuốc của mình mồi cây đuốc của Phật, khi đuốc sáng lên rồi thì tự chiếu phá được những thứ tối tăm. Đây là lối tu dùng lý để trừ sự.

Đức Đạt-ma sang Trung Hoa “Chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”. Chỉ bày rành rõ tất cả chúng sanh đều là Phật.

Tổ Đạt-ma khi sang Trung Hoa tuyên bố Chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật. Vấn đề này thật tối quan trọng. Tâm người là tâm nào? Tâm suy nghĩ phải quấy hơn thua là tâm vọng tưởng sanh diệt tạo nghiệp luân hồi. Dừng vọng tưởng thì tâm chân thật hằng liễu tri hiện tiền, đó mới là tâm thật. Buông bỏ tâm sanh diệt để sống lại với tâm chân thật của mình, gọi là kiến tánh thành Phật. Phật cũng từng nói: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành.”

Tất cả chúng ta đều là Phật, nhưng tại sao chúng ta lại trôi lăn trong sanh tử? Trong kinh Phật dạy, chúng ta luân hồi sanh tử là do nghiệp dẫn. Theo nghĩa thường thì nghiệp từ thân khẩu ý tạo ra, nhưng động lực chủ yếu là ý. Ý luôn luôn nghĩ hai bên, tốt xấu, lành dữ, phải quấy... Ý nghĩ lành thì thân làm lành, miệng nói lành. Ý nghĩ dữ thì thân làm dữ, miệng nói dữ. Thành nghiệp lành hay nghiệp dữ đều gốc từ ý, từ đó mà lên xuống đi trong lục đạo. Nếu một niệm không sanh tức là ý không dấy khởi, ý không dấy khởi thì lấy gì tạo nghiệp mà đi trong lục đạo. Người tạo nghiệp lành dẫn đi đường lành, người tạo nghiệp dữ dẫn đi đường dữ, người không có nghiệp gì hết thì giải thoát sanh tử nhập Niết-bàn. Đơn giản như vậy.

Chúng ta có những giây phút yên lặng, vẫn thấy nghe hiểu biết mà không nghĩ suy gì, tức là đang vô niệm. Vô niệm đó là giờ phút chân thành, đúng lẽ thật của mình. Nhưng vừa được một chút, rồi bị những khởi nghĩ khác lấp qua chôn vùi, nên tâm hiểu biết chân thật không hiện ra được. Nếu lặng hết những suy nghĩ đó thì tâm chân thật hiện tiền, không còn tạo nghiệp đi trong luân hồi sanh tử nữa. Như vậy khả năng giải thoát ở mình đã sẵn có, không phải tìm kiếm đâu xa. Cho nên ngồi thiền là để dừng cái nghĩ suy đó lại, dừng được thì gọi là tâm thanh tịnh hay tâm an định. An định rồi mới được trí tuệ giải thoát. Nói “được” cũng chỉ là một lối nói thôi, chứ an định là đã có trí tuệ.

Tôi thường khuyên các vị ngồi tu, khi vừa khởi nghĩ liền biết vọng tưởng không theo. Vọng tưởng là những suy nghĩ hỗn độn không phải mình, còn cái biết được vọng tưởng không phải mình thì là ai? Bỏ hết vọng tưởng thì cái chân thật hiện tiền, còn theo vọng tưởng thì nó khuất lấp. Vọng tưởng thì có bóng dáng theo đó, như nghĩ về người thì bóng người hiện, nghĩ về cảnh thì bóng cảnh hiện... Còn cái biết vọng không theo thì không có tướng mạo, thanh tịnh lặng lẽ, đó chính là cái biết chân thật rõ ràng đầy đủ nơi mỗi người, mà mình theo duyên quên mất không biết.

Đức Phật biết chúng sanh sẵn có tánh giác mà bỏ quên, nên ngài thương xót không nỡ làm thinh, phải chỉ ra của báu chân thật sẵn có để cho mọi người cùng biết. Chừng nào nhận ra được của báu ấy thì tự tại an lạc. Sống với cái chân thật là giác, quên là mê. Trọng tâm của sự tu không ngoài mê và giác. Mê thì tạo nghiệp điên đảo chịu luân hồi sanh tử, giác thì thoát khỏi sanh tử được an lạc miên viễn. Mê và giác hết sức gần gũi, không ở đâu xa. Đường lối chỉ thẳng của Thiền tông là như vậy.

Thẳng đó nhận được tự tánh thanh tịnh này, tùy thuận không nhiễm ô, trong hai mươi bốn giờ đi đứng ngồi nằm tâm không khởi vọng, ấy là hiện thân thành Phật; chẳng cần dụng tâm dụng lực, cũng chẳng cần tạo tác thi vi, không nhọc mảy may suy nghĩ nói năng. Do đó, nói thành Phật là việc rất dễ dàng, rất tự tại, đạt được là tại nơi ta, không phải cầu bên ngoài.

Buông hết những suy nghĩ vọng tưởng chạy theo hai bên, lặng lẽ không làm gì hết. Bởi vì vọng tưởng không thật, buông thì nó mất nên có gì đâu mà phải làm. Vọng tưởng lặng hết, ngay đó nhận được tự tánh thanh tịnh. Cho nên nói, trong hai mươi bốn giờ đi đứng ngồi nằm tâm không khởi vọng, ấy là hiện thân thành Phật.

Như vậy thành Phật không khó, chỉ trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ, đi đứng nằm ngồi không một niệm nào dấy lên, nhưng vẫn rõ ràng thường biết, đó là hiện thân thành Phật rồi. Lâu nay chúng ta có quan niệm, thành Phật chứng quả phải như đức Phật Thích-ca có hào quang sáng v.v... Đây nói hiện thân thành Phật, tức chỉ cho Phật thật sẵn có của chính mình, do những vọng niệm điên đảo làm che khuất, chỉ cần buông hết vọng niệm phiền não quấy rối thì cái thật kia hiện bày rõ ràng. Như vậy, chạy theo vọng tưởng tạo nghiệp là người mê, trở về với tánh giác thanh tịnh là người giác, giác đầy đủ là Phật. Do đó nói thành Phật là việc rất dễ dàng, rất tự tại, đạt được là tại nơi ta, không phải cầu bên ngoài. Rõ ràng ngay nơi mình, chứ không cần cầu đâu hết.

Tất cả chúng sanh trên thế giới này, nếu thật không cam chịu trường kiếp trầm luân trong tứ sanh lục đạo, hằng đắm chìm nơi bể khổ, muốn thành Phật được thường, lạc, ngã, tịnh, phải tin lời chân thật của Phật tổ “buông hết tất cả, không nghĩ nhớ thiện ác”, mỗi người khả dĩ liền đó thành Phật.

Việc thành Phật không khó, chỉ cần buông hết hai bên không nghĩ nhớ thiện ác, liền đó thành Phật chứ không gì khác. Nhưng chúng ta bây giờ ít ai dám buông hết, vì sợ buông rồi trở thành ngu dốt. Do muốn khôn ngoan để lý luận tranh hơn thua với người cho vui, nên cứ đắm chìm trong bể khổ mãi.

Chư Phật Bồ-tát và lịch đại chư vị tổ sư phát nguyện độ hết tất cả chúng sanh, không phải là không bằng cứ, đâu phải chỉ hứa nguyện suông.

Các ngài phát nguyện độ hết chúng sanh, bởi vì thấy tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Đã có tánh Phật thì chỉ cần nhắc cho họ tỉnh, bỏ hết mê lầm trở về tánh Phật mà thôi. Nhưng đáng thương là chúng ta không chịu nghe. Tu muốn thành Phật mà lời Phật dạy không làm theo. Phật bảo buông hết vọng niệm đừng đuổi theo hai bên, phải xoay trở lại nơi mình, vậy mà chúng ta cứ đi chùa cầu Phật ban cho cái này cái kia hoài. Dạy phải tự giác mà không chịu tự giác, lại còn đi cầu xin Phật. Phật làm sao độ mình được? Phật chỉ cho thấy cái mê để bỏ, chỉ cho biết cái giác để hằng sống, đó là Phật độ. Đừng nghĩ rằng Phật độ cho bình an, được thi đậu... Chuyện nhỏ đó mà đòi hoài, còn cái chân thật cứu cánh Phật chỉ thì không chịu nhận! Thật đáng thương.

Đã nói ở trên, pháp vốn như vậy, Phật tổ lắm phen dạy rõ căn dặn kỹ càng, là chân ngữ thật ngữ, không một mảy hư dối. Phật do lòng đại từ bi không nệ tất cả chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay mê muội chìm đắm trong biển khổ sanh tử, vừa ra lại vào, luân chuyển không dừng, mê lầm điên đảo, trái tánh giác hợp vọng trần.

Ví như vàng ròng bỏ vào hầm phẩn, không những chẳng dùng được mà lại nhơ nhớp quá lắm. Ngài bất đắc dĩ nói ra tám muôn bốn ngàn pháp môn, tùy căn cơ chẳng đồng của chúng sanh dùng đối trị tham, sân, si, ái v.v... tám muôn bốn ngàn bệnh tập khí vi tế. Như vàng đã dính các thứ nhơ nhớp, mới dạy người dùng sạn, bàn chải, nước, vải v.v... để mài giũa, chùi rửa nó. Sở dĩ Phật nói pháp, mỗi môn đều là diệu pháp, đều có thể liễu thoát sanh tử, thành Phật đạo. Chỉ có vấn đề hợp cơ hay không hợp cơ, không cần phân biệt pháp môn cao hay thấp. Pháp môn lưu truyền ở Trung Hoa rất phổ thông là Tông, Giáo, Luật, Tịnh, Mật. Năm pháp môn này tùy căn tánh và chỗ hứng thú của mỗi người thực hành môn nào cũng tốt. Quan trọng là trong một môn được thâm nhập, trải thời gian lâu không đổi thay, như vậy khả dĩ thành tựu.

Những lời Phật tổ nói là lời chân thật không hư dối mà chúng ta còn không thâm nhập, không thấu hiểu nổi. Chúng sanh chìm đắm trong sanh tử, mê lầm điên đảo quá lắm, đức Phật vì thương xót muốn cứu chúng sanh, nên ngài mới chỉ ra nhiều pháp môn, sử dụng pháp môn nào tu cũng có kết quả.

Các pháp môn lưu truyền phổ thông ở Trung Hoa gồm có: Tông, Giáo, Luật, Tịnh, Mật. Tông là Thiền tông, Giáo là Kinh luận, Luật là Giới luật, Tịnh là Tịnh độ, Mật tức là Mật tông. Năm pháp môn đó mỗi thứ có khác nhau là do trình độ con người không đồng, nên tùy theo căn cơ mà Phật dạy tu tập, cốt yếu đưa chúng ta ra khỏi mê lầm. Nếu người có trí tuệ dễ thấy dễ nhận thì Phật tổ chỉ thẳng khiến nhận ra bản tâm của chính mình, nỗ lực buông xả cho đến vô niệm, ngay đó giải thoát. Người nặng vào lòng tin, tin pháp Phật mầu nhiệm, tin được sự cứu rỗi của Phật thì Phật dạy niệm Phật nhất tâm, để khi chết được Phật Di-đà đón về Cực lạc, thọ hưởng sự vui sướng. Những người thích mầu nhiệm linh thiêng thì Phật dạy trì chú, khi trì chú được nhất tâm thì có linh nghiệm, thấy Phật Đại Nhật v.v...

Như vậy, nói minh tâm kiến tánh, gặp Phật Di-đà, thấy Phật Đại Nhật... tuy nói có khác mà kết quả cũng như nhau, đều đưa chúng ta đến chỗ nhất tâm, lặng hết những vọng tưởng điên đảo. Phật tổ rõ ràng không phân biệt khen chê bên nào cao bên nào thấp, bên này hay bên kia dở; mà các ngài chỉ nói pháp tùy theo căn cơ trình độ của chúng sanh. Người hợp với pháp môn nào thì tùy theo đó mà ứng dụng tu. Thiền, Tịnh hay Mật việc đó không quan trọng, mà quan trọng nhất là phải tu cho tới nơi tới chốn.

Về Tông môn chủ trương tham thiền, tham thiền cốt “Minh tâm kiến tánh”, cần tham suốt được cái “bản lai diện mục” của mình, nên nói “Giác ngộ tự tâm, thấy suốt bản tánh”. Pháp môn này phát nguyên từ hội Linh Sơn, Phật đưa cành hoa sen, ngài Ca-diếp cười chúm chím, đến tổ sư Đạt-ma truyền sang Trung Hoa, về sau chỗ hạ thủ công phu đã từng thay đổi. Các bậc thiền đức trước đời Đường đời Tống phần nhiều nghe một lời hoặc nửa câu được ngộ đạo. Thầy trò truyền nhau chẳng qua dùng tâm ấn tâm, không có một thật pháp. Ngày thường thưa hỏi, trả lời cũng chẳng qua tùy cách phá chấp, theo bệnh cho thuốc mà thôi. Từ đời Tống về sau, người học đạo căn tánh yếu ớt cạn hẹp, nói được mà làm không được. Ví như nói “buông hết tất cả”, “không nghĩ thiện ác”, thảy đều buông mà không hết, không nghĩ thiện thì nghĩ ác. Đến thời đại này tổ sư bất đắc dĩ dùng biện pháp lấy độc trừ độc, dạy người học tham công án.

Từ trước Phật tổ chỉ thẳng, người sáng thì nhận được liền, tự buông bỏ hết tất cả. Nhưng về sau, nghe hiểu mà làm không được, nói được mà hành không được. Như nói vọng tưởng là nguyên nhân của luân hồi sanh tử, nhưng khi ngồi lại thì toàn là vọng tưởng. Do đó các ngài buộc lòng phải dạy tham công án hay khán thoại đầu. Nghĩa là có một cái để cho mình chuyên tâm trong đó, là một cách lấy độc để trừ độc. Một câu công án hay câu thoại đầu là còn có niệm, mượn niệm này để đánh chết những niệm khác. Niệm đến công án thành khối, chừng nào khối đó tan thì ngộ được bản tánh.

Ban đầu khán thoại đầu thậm chí thiết tha cắn chặt một câu “tử thoại đầu”, dạy phải nghiến ngầm cấp bách không một sát-na lơi lỏng, giống như con chuột khoét rương cắn mãi một chỗ, chưa phủng thì không dừng. Dạy như vậy, mục đích lấy một niệm trừ muôn niệm. Kỳ thật đó cũng là một biện pháp bất đắc dĩ, như mụt nhọt độc trong thân, nếu không dùng dao mổ thì bệnh khó lành. Công án của cổ nhân rất nhiều, sau này chuyên dạy khán thoại đầu, khán “Mang thây thối ấy là gì?”, khán “Trước khi cha mẹ chưa sanh, thế nào là mặt thật xưa nay của ta?” Gần đây, các nơi phần nhiều dùng một câu thoại đầu khán “Niệm Phật là gì?” Kỳ thật, những câu thoại đầu đều cùng một loại, đều rất bình thường không có gì kỳ lạ đặc biệt. Có thể ta nói: khán “Niệm kinh là gì?”, khán “Trì chú là gì?”, khán “Lễ Phật là gì?”, khán “Đi đường là gì?”, khán “Ngủ mới thức là gì?”... đều cùng một loại như nhau. Sau chữ “gì” là đáp án, nó vốn là tâm. Thoại (lời nói) từ tâm khởi, tâm là đầu của thoại. Niệm từ tâm khởi, tâm là đầu của niệm. Muôn pháp đều từ tâm khởi, tâm là đầu của muôn pháp. Kỳ thật, thoại đầu tức là niệm đầu, trước niệm chính là tâm. Nói thẳng, trước khi một niệm chưa sanh là thoại đầu.

Khán thoại đầu là muốn tìm tới chỗ niệm chưa khởi, chỗ đó Lục Tổ gọi là Vô niệm. Như chúng ta tu, buông hết vọng tưởng đến chỗ vô niệm, đây cũng là một lối đi thẳng.

Do đây, chúng ta biết khán thoại đầu tức là quán tâm. Trước khi cha mẹ chưa sanh, mặt thật xưa nay tức là tâm. Khán trước khi cha mẹ chưa sanh, mặt thật xưa nay là quán tâm. Tánh cũng tức là tâm. Câu “Phản văn văn tự tánh” là phản quán quán tự tâm. Câu “Viên chiếu thanh tịnh giác tướng”, thanh tịnh giác tướng tức là tâm, chiếu tức là quán. Tâm tức là Phật, niệm Phật tức là quán Phật, quán Phật tức là quán tâm. Sở dĩ nói “khán thoại đầu” hoặc nói “khán niệm Phật là gì?” đều là quán tâm, quán chiếu giác thể tự tâm thanh tịnh, là quán chiếu Phật tánh của mình. Tâm tức là tánh, tức là giác, tức là Phật, không có hình tướng chỗ nơi, trọn không thể được, sẵn vậy thanh tịnh, khắp cả pháp giới, không ra không vào, không qua không lại, chính là xưa nay hiện thành pháp thân Phật thanh tịnh.

Hành nhân thu nhiếp lục căn, khán từ chỗ một niệm mới sanh, soi xét một câu thoại đầu này, khán đến chỗ tự tâm thanh tịnh ly niệm. Lại tiến lên, càng thầm kín dày dặc, lặng lẽ yên tịnh, tuy tịch mà chiếu, thẳng đó ngũ uẩn đều không, thân tâm đều vắng lặng, hoàn toàn không có một việc. Từ đây ngày đêm đi đứng ngồi nằm như như không động, càng lâu công phu càng dày liền được thấy tánh thành Phật, vượt qua mọi khổ ách. Xưa tổ sư Cao Phong nói: “Người học đạo hay khán một câu thoại đầu, như gieo hòn gạch xuống hồ sâu muôn trượng, rơi thẳng tận đáy, được vậy trong bảy ngày, nếu không khai ngộ, lão tăng xin dâng thủ cấp.” Bạn đồng tham thiền! Câu nói của người xưa là chân ngữ, thật ngữ, không phải lời nói dối trá lừa đảo đâu!

Như vậy khán thoại đầu cũng như buông hết vọng tưởng. Khán thoại đầu là một sức mạnh để kìm chế, đè nén vọng tưởng. Buông vọng tưởng là thấy vọng tưởng hư dối buông xả không theo, để cho tâm trong sạch. Hai pháp tu thấy như khác, nhưng cứu cánh đều trở về vô niệm. Hết niệm là chân thật, không có gì khác.

Nhưng, tại sao người hiện thời khán thoại đầu rất nhiều, mà không có mấy người ngộ đạo? Ấy là do người hiện thời căn cơ không bằng người xưa, cũng tại người học đạo đường lối tham thiền khán thoại đầu đa số không rành rõ. Có người tham đông hỏi tây, cầu nam thỉnh bắc, kết quả chỉ là loạn động đến già, một câu thoại đầu vẫn không rành rõ, không biết thế nào là thoại đầu thì làm sao khán thoại đầu? Một đời chỉ chấp trước ngôn cú, danh tướng, dụng tâm tại thoại vĩ mà thôi.

Hoặc có người “Khán niệm Phật là gì?” hoặc “Chiếu cố thoại đầu”, khán qua khán lại, tham tới tham lui cùng câu thoại đầu đông tây chạy ngược nhau. Như vậy, làm sao hội ngộ được cái vô vi đại đạo bản nhiên này? Làm sao đến được cái vương vị tất cả không thọ? Hoặc có người bỏ mạt vàng vào con mắt, con mắt bị mù, làm sao được phóng quang sáng suốt? Đáng thương thay! Đáng thương thay! Có những người hảo tâm xuất gia chí nguyện phi phàm, mà kết quả chỉ một bề nhọc công vô ích, rất đáng thương xót! Người xưa nói: “Thà đành ngàn năm không ngộ, không cam một ngày sai lầm.”

Ở đây ngài nói cho người tu thiền khán thoại đầu phải biết rõ, tu là làm gì, đi tới đâu? Nếu tu mà không biết thì không bao giờ đến chỗ cuối cùng được. Như người bỏ mạt vàng vào con mắt, con mắt bị mù làm sao được phóng quang sáng suốt. Cổ nhân thường nói, mạt vàng tuy quý, rơi vào mắt cũng thành bệnh. Con mắt dụ cho tâm thanh tịnh sẵn có, mạt vàng là câu thoại đầu mà mình nghiền ngẫm. Nếu bám vào một câu thoại đầu cho là chân thật, đó là bỏ mạt vàng vào mắt. Đến chỗ cứu cánh không còn một niệm mới là chân thật.

Người tu hành ngộ đạo dễ mà khó, khó mà dễ, giống như vặn nút đèn điện, biết thì khoảng khảy móng tay đèn cháy sáng trưng, cái đen tối muôn năm liền hết, không biết thì vặn máy hỏng đèn hư, phiền não càng tăng trưởng. Có một ít người tham thiền khán thoại đầu bị ma phát điên, thổ huyết, mắc bệnh, bởi vì lửa vô minh quá to, chấp nhân ngã thật dày, đó là những gương rất rõ ràng. Sở dĩ người dụng công cốt khéo điều hòa thân tâm, cần phải tâm bình khí hòa, không chướng ngại, không nhân ngã, đi đứng ngồi nằm khéo hợp với máy huyền diệu.

Người tu không được cố kìm chế hoặc đè nén quá. Đưa lên không được, trì xuống cũng không được, phải quân bình đừng để sanh bệnh.

Pháp tham thiền xưa nay không có phân biệt, chỉ do công phu tu tập, sơ tham có khó và dễ, lão tham cũng có khó và dễ.

Cái khó của người sơ tham là thế nào? Vì thân tâm không thuần thục, đường lối chưa rành rõ, dụng công không đến nơi, nếu trong tâm không chấp cấp bách thì bị bệnh ngủ gật qua ngày, kết quả thành: “Năm đầu sơ tham, năm thứ hai lão tham, năm thứ ba chẳng tham.”

Cái dễ là sao? Chỉ cần đầy đủ tín tâm, tâm lâu bền và vô tâm. Tín tâm, một là tin tâm ta đây xưa nay là Phật, cùng chư Phật mười phương và chúng sanh không khác; hai là tin pháp của đức Phật Thích-ca-mâu-ni nói, mỗi pháp đều được liễu sanh thoát tử và thành Phật đạo. Tâm lâu bền, phải tuyển chọn nhất định một pháp, trọn đời thực hành, cho đến đời sau và đời sau nữa đều như thế hành trì. Nếu là tham thiền thì cứ như thế mà tham, nếu niệm Phật thì cứ như thế mà niệm, nếu trì chú thì cứ như thế mà trì, nếu học giáo lý thì cứ từ văn tư tu mà thực hành. Dù tu một pháp môn nào cũng lấy giới làm căn bản. Nếu đúng như vậy mà thực hành, sau này nhất định thành công. Lão nhân Quy Sơn nói: “Nếu có người hay thực hành pháp này ba đời không lui sụt, quả vị Phật quyết định có ngày.” Lão nhân Vĩnh Gia nói: “Nếu dùng vọng ngữ lừa chúng sanh, hằng đọa địa ngục Bạt Thiệt số kiếp như cát bụi.”

Chư tổ đã chỉ rành rõ hết cho chúng ta biết, lời các ngài nói không lừa dối bao giờ, cho nên người tu cần quyết tâm cố gắng tinh tấn hành trì. Trước tiên phải rành rõ pháp tu của mình, kế là kiên trì giữ mãi pháp tu cho đến nơi đến chốn. Không nên tu sơ sơ rồi bỏ qua pháp khác, cứ chạy hoài thì cả đời tu cũng không tới đâu. Nhận định đúng đắn, kiên trì tu cho tới nơi tới chốn, mới có thể thành công được.

Vô tâm chính là buông hết tất cả, giống hệt như người chết, trọn ngày tùy chúng làm việc mà không khởi một điểm phân biệt chấp trước, thành một vị đạo nhân vô tâm.

Chúng ta sống sinh hoạt như mọi người, nhưng không có niệm vọng tưởng phân biệt chấp trước, làm tất cả việc trong vô tâm, được gọi là Đạo nhân vô tâm. Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương Phật dạy, cúng dường cho một trăm người ác không bằng cúng dường cho một người thiện, cúng dường một trăm người thiện không bằng cúng dường cho một vị A-la-hán, cúng dường một trăm vị A-la-hán không bằng cúng dường cho một đạo nhân vô tâm. Đạo nhân vô tâm phước còn hơn A-la-hán, vậy chúng ta có muốn làm đạo nhân vô tâm không? Từ sáng tới chiều không nghĩ ngợi phân biệt dính mắc gì hết là đạo nhân vô tâm rồi. Nghe thật gần gũi và dễ dàng, nhưng làm thì lại rất nhiêu khê. Việc tu hành kỳ lạ như vậy.

Người sơ tham đầy đủ ba tâm ấy rồi, nếu tham thiền khán thoại đầu, nên khán “Niệm Phật là gì?” Ông tự thầm niệm ít tiếng “A-di-đà Phật”, khán cái niệm Phật đó là gì? Một niệm ấy từ chỗ nào phát khởi? Nên biết, một niệm ấy không phải từ miệng ta khởi, cũng không phải từ thân thịt ta khởi. Nếu từ thân miệng ta khởi, khi ta chết rồi thân miệng vẫn còn sao không thể niệm? Phải biết, một niệm này là từ tâm ta khởi, tức từ chỗ tâm niệm khởi phải chăm chăm nhìn thẳng nơi đó, như mèo rình chuột, toàn thể tinh thần tập trung vào một chỗ này, không có niệm thứ hai. Chỉ cần giữ trung bình giữa hoãn và gấp, không cho gấp quá sẽ phát bệnh chướng. Đi đứng ngồi nằm đều giữ như vậy, lâu ngày công phu đầy đủ, thời tiết nhân duyên đến, một phen xúc chạm quả dưa chín cuống rụng bỗng nhiên đại ngộ. Khi ấy, như người uống nước lạnh nóng tự biết, thẳng đến chỗ không nghi ngờ, như ở ngã tư đường gặp được cha rất an vui.

Khán thoại đầu ngay một câu nói “Niệm Phật là gì?” tìm tận cùng chỗ dấy khởi niệm Phật, cái gì dấy khởi niệm Phật? Nhìn sâu vào dần dần thâm nhập. Chỗ này không khác lối tu của chúng ta. Vọng khởi liền buông, nhìn thẳng xem chỗ nào dấy khởi vọng tưởng. Thực hành đến nơi rồi thì kết quả cũng như nhau.

Cái khó dễ của người lão tham thế nào? Lão tham là người đã gần gũi thiện tri thức, dụng công nhiều năm, đã trải qua một phen luyện lọc thân tâm thuần thục, đường lối rành rõ, dụng công một cách tự tại không thấy cay đắng. Cái khó của bậc thượng tọa lão tham chính là dừng trụ trong chỗ tự tại sáng suốt, nghỉ trong Hóa thành không đến Bảo sở. Hay tịnh không hay động, không thể được cái chân thật thọ dụng; thậm chí gặp cảnh sanh tình thủ xả như xưa, ưa chán cũng hiện rõ. Vọng tưởng thô và tế vẫn nguyên vẹn bền chắc, chỗ dụng công như hòn đá ngâm nước lạnh không có tác dụng, lâu dần cũng sanh mỏi mệt, trọn không thể đắc quả khởi dụng. Thượng tọa lão tham! Biết được cái khốn khó này rồi, lập tức đề khởi câu thoại đầu cũ, phấn chấn tinh thần, đầu sào trăm trượng lại bước vượt lên, thẳng đến đảnh núi cao chót vót mà đứng, tận đáy biển sâu thăm thẳm mà đi, buông tay tung hoành, cùng gặp gỡ chư vị Phật tổ, những cái khốn khó đâu còn, không dễ là gì?

Người tu lâu gọi là lão tham. Khi tu lâu thấy tâm mình thanh tịnh rồi hài lòng tự mãn cho là đã xong, dừng ngang chỗ đó; đến khi tiếp xúc với mọi người, xử sự như bình thường, lâu dần thành tối tăm trở lại. Vì vậy phải khởi sự tu mạnh mẽ, sau này mới đạt kết quả tốt được.

Thoại đầu tức là nhất tâm, cái nhất tâm này của chúng ta không phải ở trong ngoài và chặng giữa, mà cũng ở trong ngoài và chặng giữa, như hư không không động mà khắp tất cả chỗ. Sở dĩ thoại đầu không nên đem lên trên, cũng không nên đè xuống dưới. Đem lên trên thì dẫn khởi tán loạn, đè xuống dưới thì rơi vào hôn trầm, trái với tánh chất bản tâm, đều không phải là Trung đạo. Các vị sợ vọng tưởng, cho hàng phục vọng tưởng là rất khó khăn. Tôi xin thưa quý vị, không nên sợ vọng tưởng cũng không cần phí sức hàng phục vọng tưởng. Các vị chỉ cần nhận ra vọng tưởng, không chấp trước nó, không tùy thuận nó, cũng chẳng cần xua đuổi nó, chỉ không cho tiếp tục thì vọng tưởng tự lìa. Nên nói: “Vọng khởi liền biết, biết vọng liền lìa.”

Tới đây ngài chỉ thẳng vào chỗ ứng dụng tu tập. Chúng ta tu không nên sợ vọng tưởng cũng đừng cố đè vọng tưởng. Chỉ cần vọng khởi liền biết không theo, không dính mắc thì nó tự lìa, nên nói Vọng khởi liền biết, biết vọng liền lìa. Chúng ta tuy không tu theo khán thoại đầu, nhưng chỉ cần biết rõ vọng tưởng để xa lìa thì cũng cùng với lời chỉ dạy của chư tổ không khác.

Nếu khéo lợi dụng vọng tưởng khởi công phu, khán vọng tưởng này từ chỗ nào phát sanh. Vọng tưởng không tánh chính nó là không, tức là tâm tánh vốn không của ta, tự tánh thanh tịnh pháp thân Phật ngay đây được hiện tiền.

Vọng tưởng này dấy lên liền buông, vọng tưởng khác dấy lên cũng buông, buông hoài cảm thấy mệt thì nhìn lại xem vọng đó phát sanh từ chỗ nào? Đó là lối tu nhìn lại. Ngài nói, nếu khéo lợi dụng vọng tưởng khởi công phu, khán xem vọng tưởng này từ chỗ nào phát sanh thì nó liền hết. Nhìn tột chỗ vọng tưởng sanh, thấy rõ tánh của nó là không, tức là tâm tánh vốn không của ta. Không vọng tưởng mà vẫn hiểu biết, chính ngay đó Pháp thân Phật thanh tịnh hiện tiền.

Xét thật mà nói, chân vọng một thể, chúng sanh và Phật không hai, sanh tử Niết-bàn, phiền não Bồ-đề đều là bản tâm bản tánh, không cần phân biệt, không cần ưa chán, không cần thủ xả. Tâm thanh tịnh này xưa nay là Phật, không nhận một pháp, làm gì có nhiều mối. Tham!

Không có gì thủ xả, ưa chán. Biết nó hiện tiền, không dính không kẹt. Đầy đủ trong đó. Nên nói, tâm thanh tịnh này xưa nay là Phật, không nhận một pháp, làm gì có nhiều mối. Lối dạy của chư tổ, từ các vị trước cho tới những vị gần sau này cũng đều chỉ dạy rõ ràng như nhau không khác.

Phật của chúng ta hiện giờ đang ở đâu? Ở trong đống rác vọng tưởng. Người nào muốn thấy Phật thì phải ráng dẹp đống rác vọng tưởng của mình để Phật hiện ra, chứ không phải đi tới núi này núi kia lạy để tìm Phật.

 

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 53033
  • Online: 30